Ở TPHCM, thời điểm này đã có nhiều khách sạn 5 sao “hạ mình” thay đổi cách thức vận hành dịch vụ bằng nhiều hình thức mà xưa nay họ chưa từng làm để vượt qua khó khăn, tạo thêm việc làm cho người lao động.

Ví dụ khách sạn Grand Saigon (thành viên Saigontourist Group), đang chuyển sang hình thức phục vụ tiệc, bữa ăn tại nhà hoặc tại công ty cho khách (outside cartering).

Ngồi nhà, khách có thể đặt hàng và được bếp 5 sao giao đến tận nơi các món đặc sản vùng miền, như bún cá đọt mây, lá nhíp Bình Phước, gà tre hầm sâm dây Ngọc Linh, rượu đông trùng hạ thảo An Tâm Tửu… 

Khách sạn 5 sao Park Hyatt Saigon thì mở dịch vụ cử đầu bếp đến nhà khách hàng nấu. Gói dịch vụ phải đặt trước 48 giờ, có giá 4,1 triệu đồng cho 6 người ăn, chưa gồm 10% thuế VAT và dịch vụ đầu bếp 1 triệu đồng. Đầu bếp đến tận nơi chế biến, phục vụ món bò Wellington theo phong cách Park Hyatt.

Một số khách sạn ở TPHCM còn sử dụng ô tô riêng để phục vụ giao hàng tận nơi. Để trụ được mùa dịch, website chuyên về du lịch trực tuyến Ivivu.com cũng chuyển sang bán và phục vụ tận nhà combo cơm trưa dành cho công nhân viên. Trên nền tảng công nghệ có sẵn, Ivivu liên kết các nhà hàng, giao cơm tận nhà cho khách và miễn phí giao hàng.

Hay khách sạn Rex, bộ phận phụ trách ẩm thực của khách sạn nỗ lực chăm sóc khách hàng, như gọi điện thoại thăm hỏi khách hàng thân thiết, giới thiệu các món ăn, nhận lịch hẹn đặt hàng từ khách...

Ở TPHCM họ thức thời và năng động như thế, còn các tỉnh miền Trung thì sao?

Chúng tôi nêu ví dụ và đặt câu hỏi cho ông Cao Trí Dũng, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng thì nhận được câu trả lời: Ở Đà Nẵng, các doanh nghiệp cũng đang manh nha thay đổi theo cách của TPHCM vừa kể ở trên.

Tuy nhiên, mọi chuyện mới chỉ dừng lại ở… manh nha do các doanh nghiệp sợ không thành công vì nhu cầu và “sức mua” của Đà Nẵng rõ ràng không bằng TPHCM.

“Chúng tôi kêu gọi các doanh nghiệp ở Đà Nẵng hay tự cứu mình bằng nhiều hình thức. Và nếu có doanh nghiệp nào triển khai được cách làm mới, hay, chúng tôi sẽ ủng hộ và tạo điều kiện tối đa”, ông Dũng nói.

Chúng tôi đặt câu hỏi tương tự cho những người có trách nhiệm ở Quảng Nam, Thừa Thiên -Huế… thì câu trả lời nhận được cũng tương tự với lý do e ngại nhu cầu và sức mua ít.

Vẫn nghe là “trong nguy có cơ”, nhưng nói chuyện với các doanh nghiệp du lịch ở miền Trung thời điểm này chỉ toàn nghe than khó, đề nghị hỗ trợ, chờ hế dịch... chứ ít nghe về đường hướng vùng vẫy để thoát nguy, tìm cơ…

Thực trạng của ngành du lịch, ví dụ Đà Nẵng, theo ông Cao Trí Dũng thì đến thời điểm nay không còn ai nói về sự khó khăn nữa bởi đã quá hiển nhiên và vượt ngưỡng chịu đựng.

“Các doanh nghiệp đang ở giai đoạn cầm hơi cho đến hết tháng 4. Cầm hơi theo nghĩa lo xoay xở các khoản vay ngân hàng, các nguồn tiền để tránh phá sản; lo thu xếp tiền lương và việc làm tiếu thiểu cho nhân viên để giữ chân họ.

Với các doanh nghiệp có tiềm lực thì họ sẽ cầm hơi đến hết năm, nhưng với số đông, nếu hết tháng 4 này mà không có gì thay đổi thì chắc chắn sẽ có nhiều doanh nghiệp phá sản” – ông Dũng nói.

Trong lúc chờ hết tháng tư (và biết đâu sẽ còn rất nhiều tháng 4), các doanh nghiệp hãy mạnh dạn làm gì đó mới mẻ để tự cứu mình trước. Thà làm hết mọi cách có thể để rồi thất bại, nhưng cũng có cơ hội thành công, còn hơn là không làm gì cả và chờ chết!

 

Mọi thông tin chi tiết dịch vụ visa vui lòng liên hệ:

CÔNG TY PHÁT TRIỂN CÔNG NGHỆ VÀ THƯƠNG MẠI QUỐC TẾ HGTECH

Địa chỉ: 6b/76 Thịnh Hào 1 - Đống Đa - Hà Nội

Điện thoại: 0989 496 239 - Mrs. Hương

Email: visa.vn55@gmail.com

Website: http://visavietnamsupport.com/