Du khách quốc tế tại Phú Quốc trước khi có dịch COVID-19 - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Một người bạn của tôi cũng là đối tác bên Anh chia sẻ thông tin thú vị: dù nước này vẫn đang bị phong tỏa, người dân chưa được ra ngoài, nhưng tỉ lệ tìm kiếm thông tin du lịch nước ngoài lại tăng chóng mặt.
Đáng chú ý, Việt Nam nằm trong top 3 các địa chỉ du lịch nước ngoài được người Anh tìm kiếm nhiều nhất.
Rồi một đối tác khác của tôi ở Nhật Bản đặt vấn đề: có nhiều nhóm khách muốn đi du lịch tới Việt Nam và chỉ có nhu cầu đến những khu nghỉ dưỡng cao cấp gần biển. Họ muốn có những kỳ nghỉ dài, được tận hưởng không gian trong lành, nghỉ ngơi và tắm biển tại những khu resort cách biệt, đảm bảo an toàn.
Bởi thế, chỉ cần khi Việt Nam mở cửa thị trường du lịch quốc tế, đã có những khách sẵn sàng tới Việt Nam để du lịch.
Chia sẻ những thông tin này để thấy những kết quả tích cực trong kiểm soát dịch bệnh của nước ta thời gian qua phần nào giúp tăng thêm uy tín của Việt Nam trên thế giới và được bạn bè nước ngoài tin tưởng. Đó là cơ hội để sau đại dịch COVID-19, Việt Nam sẽ có nhiều thuận lợi hơn trong thu hút nguồn lực từ bên ngoài, mà du lịch là một trong những điểm nhấn.
Vấn đề là lúc này chúng ta phải chủ động thế nào để sẵn sàng đón những cơ hội ngay sau khi dịch bệnh được kiểm soát tốt hơn trên toàn thế giới? Phương án mở cửa cho khách nước ngoài đến du lịch, nghỉ dưỡng ở các đảo trên nguyên tắc tuân thủ an toàn cũng là một hướng đi để dần nới lỏng thị trường du lịch quốc tế, nhưng e rằng chưa đủ.
Để thu hút khách du lịch quốc tế một cách bền vững, trước hết cần phải đưa ra được tiêu chí thế nào là một nước an toàn. Gắn với đó, cần phải có bộ quy trình đón khách du lịch quốc tế. Những yêu cầu nghiêm ngặt về khai báo y tế, kiểm tra sức khỏe từ trước khi lên máy bay, đến quy trình nhập cảnh, kiểm tra tại cửa khẩu. Khi khách đến thì việc đưa đón của các hãng, rồi phạm vi di chuyển ra sao? Có thể tính thêm việc ứng dụng công nghệ, như các app theo dõi sức khỏe và di chuyển của từng khách mà các nước đã ứng dụng.
Quy trình này phải có nhiều bộ, ban, ngành cùng tham gia xây dựng chặt chẽ, gồm ngành du lịch, y tế, giao thông, ngoại giao, công an... Mục tiêu là làm sao vừa đảm bảo tính an toàn, kiểm soát được dịch bệnh nhưng cũng phải tạo cho du khách sự thoải mái, trên cơ sở đã đồng thuận khi lựa chọn đi du lịch Việt Nam.
Dịch bệnh đã tác động làm thay đổi cách thức vận hành của ngành du lịch, chúng ta cũng không nằm ngoài xu hướng này. Hiện nhiều nước đang bàn tới việc đàm phán song phương trong trao đổi du khách. Như Úc và New Zealand, trên cơ sở thỏa thuận và tin tưởng giữa hai chính phủ, đã có những kế hoạch, bước đi thích hợp để tạo thuận lợi cho người dân hai nước được trải nghiệm du lịch an toàn.
Và một việc không thể thiếu là ngành du lịch cùng ngành ngoại giao cần đẩy mạnh hơn nữa hoạt động truyền thông thông điệp "Việt Nam - điểm đến an toàn".
Chúng ta nên truyền thông mạnh ra quốc tế tại các hãng thông tấn uy tín của nước ngoài, để không chỉ giúp lan tỏa thông điệp mạnh mẽ tới khách du lịch mà các nhà đầu tư cũng tin tưởng lựa chọn Việt Nam trong sự chuyển dịch chuỗi cung ứng toàn cầu đang diễn ra.