Các địa phương cần hỗ trợ, đồng hành cùng du lịch để có chính sách giảm giá các khoản thu phí, đẩy mạnh hoạt động xúc tiến và tính toán việc nghỉ hè để kích cầu du lịch.
Phó thủ tướng Vũ Đức Đam chủ trì cuộc họp về tháo gỡ khó khăn cho ngành du lịch - Ảnh: Chính phủ
Chiều 3-6, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam đã làm việc với lãnh đạo một số bộ ngành, hiệp hội, các doanh nghiệp du lịch trong bối cảnh ngành du lịch chịu ảnh hưởng rất nặng nề do đại dịch COVID-19.
Nhấn mạnh du lịch nội địa được xem là cứu cánh, nên sau thời điểm nới lỏng giãn cách xã hội, Chương trình "Người Việt Nam du lịch Việt Nam" được phát động đã có 15 địa phương ở các địa bàn trọng điểm phát triển du lịch đồng loạt hưởng ứng kế hoạch kích cầu.
Đến nay, với việc mở lại các đường bay, tần suất bay và công suất chuyên chở đã tăng trở lại gần bằng mức trước dịch COVID-19.
Kích cầu du lịch nội địa làm cứu cánh
Đại diện Tập đoàn Sun Group cho biết đã lựa chọn những điểm đến, địa phương hoặc chuỗi điểm đến trọng điểm, có tính lan toả và phù hợp với nhu cầu của du khách trong vùng.
Tuy nhiên, các chương trình kích cầu không đơn thuần là giảm giá mà doanh nghiệp phải cam kết tăng chất lượng dịch vụ, làm mới chính những sản phẩm đang có; đầu tư sản phẩm mới và đón đầu xu thế du lịch an toàn - sức khoẻ, không bỏ qua bất kỳ đối tượng du khách nào.
Ông Nguyễn Quốc Kỳ - tổng giám đốc Công ty Vietravel - đề nghị phải có những động thái mạnh mẽ từ cả doanh nghiệp và nhà nước, tạo động lực từ vùng du lịch trọng điểm, xây dựng sản phẩm du lịch theo chuỗi có sự kết nối cao giữa lữ hành - hàng không - dịch vụ.
Doanh nghiệp kiến nghị cần có chính sách đồng bộ giữa các bộ, ngành, địa phương, tạo điều kiện cho người dân đi du lịch như kéo dài một số kỳ nghỉ lễ; miễn, giảm các khoản thu, phí tham quan; tăng cường truyền thông quảng bá, xúc tiến du lịch…
Mặc dù vậy, ông Vũ Thế Bình - phó chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam - cho rằng không được bỏ quên rất nhiều doanh nghiệp du lịch nhỏ, cơ sở du lịch cộng đồng, người làm homestay tại các điểm du lịch ở vùng sâu, vùng xa đang vô cùng khó khăn. Nếu mất đi những "rễ nhỏ" này, chúng ta sẽ phải mất nhiều thời gian để gây dựng lại.
Do đó, các địa phương đồng hành hơn nữa với du lịch. "Sức khoẻ" các doanh nghiệp đang xấu mà vẫn phải giảm giá, kích cầu để tồn tại nhưng một số địa phương vẫn đang "vô cảm", chưa thực sự đồng hành, hỗ trợ thực sự cho DN trong việc miễn, giảm các khoản thu, lệ phí tại điểm du lịch…
Có chính sách hỗ trợ du lịch giảm giá
Bên cạnh các kiến nghị về thuế, thị thực nhập cảnh, giá điện… ngành du lịch phải chuẩn bị tâm thế tình hình dịch bệnh trên thế giới còn diễn biến phức tạp, kéo dài. Tinh thần "bao đê chặt, ngăn chặn bên ngoài để phát triển bên trong".
Vì vậy, cần phải tận dụng tối đa các điều kiện thúc đẩy du lịch nội địa để các doanh nghiệp không bị giải thể, phá sản; các cơ sở kinh doanh du lịch nhỏ, du lịch cộng đồng không phải dừng hoạt động, chuyển mục đích sử dụng do quá khó khăn.
"Cơ sở du lịch cộng đồng, homestay không giúp thu ngân sách nhưng góp phần xoá đói giảm nghèo, nâng cao đời sống, xây dựng nếp sống văn hoá, văn minh ở vùng sâu, vùng xa", Phó thủ tướng nói.
Phó thủ tướng cũng yêu cầu các bộ ngành và địa phương cần phải hỗ trợ, đồng hành đưa du lịch đi vào thực chất. Đặc biệt, địa phương phải xem xét các doanh nghiệp du lịch giảm giá như thế nào thì các khoản thu, phí du lịch cũng phải giảm ít nhất ở mức độ tương đương, có phương án thời gian các kỳ nghỉ lễ, nghỉ hè để tạo điều kiện kích cầu du lịch.
Gắn với đó, cần tập trung thúc đẩy hoạt động xúc tiến, quảng bá, kích cầu theo điểm đến trọng điểm theo khu vực như Tây Bắc, Đông Bắc, Duyên hải miền Trung… không để cho DN phải tự làm riêng lẻ.
Đối với du lịch quốc tế, Phó thủ tướng nhấn mạnh chuẩn bị sẵn sàng nhưng chỉ mở ra khi thực sự an toàn. Theo đó, cần theo dõi sát tình hình phòng, chống dịch ở các thị trường lớn, bàn bạc, thống nhất, khi điều kiện cho phép sẽ chọn những địa bàn, thị trường thực sự an toàn; chọn trước một số điểm đến ở Việt Nam; có quy trình chặt chẽ từ cho phép nhập cảnh, vận chuyển đưa dón, quản lý du khách quốc tế theo tour; gắn với đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quảng bá du lịch với thông điệp "Việt Nam an toàn".
Mọi thông tin chi tiết dịch vụ visa vui lòng liên hệ:
CÔNG TY PHÁT TRIỂN CÔNG NGHỆ VÀ THƯƠNG MẠI QUỐC TẾ HGTECH
Địa chỉ: 6b/76 Thịnh Hào 1 - Đống Đa - Hà Nội
Điện thoại: 0989 496 239 - Mrs. Hương
Email: visa.vn55@gmail.com
Website: http://visavietnamsupport.com/